7 câu hỏi thường gặp về tình trạng ăn mặn hiện nay

Ăn mặn là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay. Theo đó, liên quan đến ăn mặn có nhiều câu hỏi thường gặp như ăn mặn có hại không, làm thế nào để giảm ăn mặn và bảo vệ sức khỏe, cũng như vô vàn câu hỏi khác. Để tìm hiểu giải đáp chi tiết, bạn đừng bỏ qua thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây!

1.Vì sao người Việt Nam thích ăn mặn?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ đến 9,4g muối mỗi ngày, cao hơn gấp đôi so với khuyến nghị là 5g muối/ngày. Một câu hỏi được quan tâm là vì sao người Việt thích ăn mặn như vậy?

Nguyên nhân bắt nguồn từ tập quán ăn uống lâu đời của người Việt. Lúc nào trong bữa cơm cũng phải có sẵn một bát nước mắm, xì dầu, mắm nêm, mắm tép hoặc một đĩa bột canh. Về lâu dài, điều này làm cho mọi người có thói quen ăn mặn khó thay đổi. Đặc biệt là trong quan niệm của người Việt, để món ăn ngon hấp dẫn thì bắt buộc phải nêm nếm đậm đà. Đây cũng là lý do tại sao, muối được sử dụng nhiều hơn trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình.

Ăn mặn là khẩu vị quen thuộc, khó thay đổi của người Việt.

2.Đâu là dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá mặn?

Trung bình, cơ thể chúng ta hấp thu 1.500 miligam muối/ngày. Nếu hàm lượng muối nạp vào nhiều hơn khuyến cáo thì bạn có thể gặp phải triệu chứng như đầy hơi, khát nước, tăng cân và đi vệ sinh nhiều lần trong ngày.

3.Ăn mặn ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Trên thực tế, muối không phải lúc nào cũng xấu. Ăn muối với hàm lượng phù hợp giúp huyết áp khỏe mạnh, cải thiện hệ thần kinh và tăng hấp thu dưỡng chất cho cơ thể. Ngược lại, nếu bạn ăn mặn thường xuyên, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như:

Tăng huyết áp: Nếu cơ thể hấp thụ nhiều muối thì khả năng thẩm thấu của màng tế bào với natri tăng lên. Khi ấy, ion natri vận chuyển nhiều hơn vào tế bào cơ trơn của thành mạch, tăng trương lực thành mạch, tăng sức cản ngoại vi và hậu quả là tăng huyết áp.

Bệnh tim mạch: Thói quen ăn mặn khiến chúng ta phải uống nước liên tục, dẫn đến tăng lưu lượng máu và tăng cường hoạt động của tim. Về lâu dài, điều này khiến tâm thất trái to hơn, gây ra tình trạng suy tim, đau tức ngực hoặc thậm chí là đột quỵ.

Bệnh dạ dày: Nghiên cứu trên Cancer Research cho thấy, ăn nhiều muối kích thích sự phát triển của Helicobacter Pylori (HP) – một loại vi khuẩn đường ruột có xu hướng tấn công niêm mạc dạ dày và gây ra viêm loét, nhiễm trùng hoặc nặng hơn là ung thư dạ dày.

Loãng xương: Ăn mặn kích thích bài tiết Canxi qua nước tiểu. Điều này làm cho xương thiếu hụt Canxi, dẫn đến loãng xương, yếu xương và dễ gãy xương.

Gây ra sỏi thận: Ăn nhiều muối có ảnh hưởng tiêu cực đến thận. Trong đó, sỏi thận là tình trạng phổ biến, xảy ra khi khoáng chất trong nước tiểu cô đặc và tạo ra tinh thể. Theo thời gian, tinh thể phát triển lớn hơn và khi qua đường tiết niệu, tinh thể bị mắc kẹt lại, từ đó cản trở quá trình bài tiết, dẫn đến nguy cơ sỏi thận.

Ăn mặn là nguyên nhân hàng đầu gây ra cao huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư dạ dày và làm hại thận.

4.Ăn mặn có bị tiểu đường không?

Lâu nay, nhiều người cho rằng chỉ có ăn ngọt mới gây ra bệnh tiểu đường. Trên thực tế ăn mặn cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường, nhất là đái tháo đường type 2. Theo đó, khi cơ thể hấp thu nhiều muối, có thể khiến huyết áp và cân nặng tăng lên, dẫn đến tình trạng kháng insulin. Điều này đồng nghĩa insulin hoạt động kém, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

5.Ăn mặn gây ra tăng cân không?

Với câu hỏi ăn mặn liệu có gây ra tăng cân không, đáp án chính là có. Theo nghiên cứu, những người ăn mặn có cảm giác đói thường xuyên, dẫn đến ăn nhiều hơn và dẫn đến tăng cân. Ngoài ra, ăn nhiều muối khiến cơ thể tích nước, tăng khối lượng mỡ bụng, từ đó cũng là nguyên nhân gây ra tăng cân.

Ăn mặn khiến cơ thể tích nước, tích trữ mỡ bụng và từ đó gây ra tăng cân.

6.Lỡ tay nêm nếm đồ ăn quá mặn, phải làm sao để xử lý?

Nếu lỡ tay nêm nếm quá mặn, bạn có thể “chữa cháy” ngay bằng cách:

Cho thêm nước vào món ăn: Lúc này, nước hòa tan hàm lượng muối và giúp món ăn giảm mặn. Cần lưu ý, không được để lửa quá lớn khi cho thêm nước. Bởi nhiệt độ cao khiến nước bốc hơi nhanh hơn và kết quả là món ăn vẫn mặn.

Dùng khoai tây: Với công dụng “hút” muối, khoai tây giúp món ăn vừa giảm mặn, vừa đem lại hương vị thơm ngon.

Sử dụng mật ong: Mật ong làm dịu độ mặn, tăng hương vị hấp dẫn cho món ăn khi thưởng thức.

Giảm mặn với giấm gạo: Mặc dù giấm gạo giảm độ mặn cho món ăn nhưng bạn không được thêm quá nhiều giấm trong một lần vì rất khó nêm lại hương vị. Tốt nhất, hãy cho giấm từ từ để chữa mặn. Sau mỗi lần thêm thì hãy nếm lại, đến khi cảm thấy vị đậm đà là được.

Sử dụng chanh: Chanh giúp trung hòa vị mặn, nhưng không nên dùng chanh để giảm độ mặn cho món ăn làm từ sữa. Lý do là axit trong chanh phản ứng với sữa, tạo ra hiện tượng kết tủa và khiến thức ăn trở nên mặn hơn.

7.Làm thế nào để giảm ăn mặn, bảo vệ sức khỏe trái tim?

Để giảm muối trong bữa ăn, mỗi người nên tuân theo khuyến cáo sau đây của Bộ Y tế:

Cắt giảm muối khi chế biến thực phẩm: Khi nấu ăn, thay vì nêm nếm nhiều muối như trước đây thì bạn nên cắt giảm từ từ, cho đến khi giảm được một nửa hàm lượng muối (dưới 5g/ngày).

Chủ động nấu ăn tại nhà nhiều hơn: Hãy nấu ăn tại nhà để trực tiếp điều chỉnh hàm lượng muối. Ngoài ra, bạn nên chế biến món luộc, món hấp thay vì kho, rim, rang để giảm hấp thu muối vào cơ thể.

Lựa chọn thực phẩm tươi: Thay vì sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, có hàm lượng muối cao như thịt muối, dưa muối, mì ăn liền, xúc xích và thịt xông khói, bạn nên ưu tiên thực phẩm tươi, lành mạnh hoặc thực phẩm có hàm lượng muối thấp (kiểm tra thành phần muối hoặc natri được ghi trên nhãn dinh dưỡng) để bảo vệ sức khỏe.

Lựa chọn gia vị giảm mặn: Hiện nay, trên thị trường đã có nhiều sản phẩm giảm mặn. Trong đó, nước mắm giảm mặn được chị em nội trợ đánh giá cao, nhờ sản phẩm ứng dụng công nghệ giảm mặn hiện đại, rút đi bớt muối so với nước mắm cốt. Điều này giúp người tiêu dùng giảm hấp thu lượng muối vào cơ thể, từ đó bảo vệ trái tim khỏe mạnh và ngăn ngừa tác hại do ăn mặn gây ra.
Điểm nổi bật hơn là dù có ít muối nhưng nước mắm giảm mặn không mất đi vị ngon đậm đà vốn có. Nhờ vậy, mỗi bữa cơm của gia đình Việt được trọn vẹn dinh dưỡng, hài hòa về hương vị, cũng như đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nước mắm giảm mặn là xu hướng tiêu dùng hiện đại của mỗi gia đình Việt, vừa giúp bữa cơm đậm đà thơm ngon, vừa bảo vệ trái tim khỏe mạnh.

 

Bài viết trên đây đã giúp bạn giải đáp toàn bộ câu hỏi thường gặp về ăn mặn. Nhìn chung, ăn mặn có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhất là sức khỏe tim mạch. Vì vậy, bạn nên bắt đầu giảm ăn mặn từ hôm nay, bằng cách cho ít muối, chấm nhẹ tay, cũng như sử dụng nước mắm giảm mặn để vừa giữ gìn sức khỏe, vừa tận hưởng bữa cơm đậm đà, chuẩn vị, không cần thêm cũng chẳng phải bớt!