Từ lâu, trong bất kỳ bữa cơm nào của người Việt cũng luôn có sự hiện diện của một bát nước mắm ăn kèm với thức ăn. Nước mắm càng ngon thì bữa ăn càng thêm đậm đà, bắt vị. Và để làm được nước mắm ngon, chọn đúng loại cá là yếu tố rất quan trọng. Vậy loại cá nào có thể làm nước mắm ngon? Đừng bỏ qua bài viết này nhé.
Mục lục
1. Cá cơm
Cá cơm là loài cá thường được chọn để làm nước mắm. Có nhiều loại cá cơm như cá cơm than, cá cơm sọc tiêu, cá cơm đỏ, cá cơm sọc phấn, cá cơm phấn chì,… trong đó cá cơm than là loại ngon nhất. Các vùng biển thường tập trung nhiều cá cơm là Phú Quốc, Phan Thiết, Nha Trang, Bình Định.
Cá cơm có độ đạm cao, vị ngọt tự nhiên, đậm đà và chứa hàm lượng dinh dưỡng lớn (omega-3, sắt, canxi, magie, kali cùng nhiều loại vitamin tốt cho sức khỏe). Loài cá này có khả năng cắn muối khá nhanh, quá trình ủ chượp diễn ra tốt hơn để cho ra những giọt nước mắm cá cơm thơm ngon và không bị tanh chát. Chưa kể, cá cơm còn có tập tính ăn nổi, hoạt động mạnh nên ít mỡ, không để lại lớp váng mỡ khi làm nước mắm như nhiều loại cá khác.
Cá cơm cho ra thành phẩm nước mắm thơm ngon đặc trưng, gói trọn vị ngon của biển cả.
2. Cá thu
Cá thu mang đến nguồn dinh dưỡng dồi dào như phosphorus, protein, niacin, selenium, omega-3, vitamin (B12, D) và có hàm lượng natri thấp, tốt cho sức khỏe tim mạch. Hiện nay, nguồn cá thu từ vùng biển Bình Định là ngon nhất, lượng cá thu lớn, cá béo và chắc thịt do được ngư dân đánh bắt ở vùng nước sạch. Nước mắm cá thu sau khi được làm có mùi hương thơm nhẹ, cho bữa ăn thêm đậm vị.
3. Cá nục
Cá nục cũng là nguyên liệu được nhiều người dân chọn làm nước mắm truyền thống. Vào mỗi mùa mưa, ngư dân có thể đánh bắt được số lượng lớn cá nục, con nào cũng béo chắc và tươi ngon. Cá nục có 3 loại phổ biến là cá nục sò, cá nục bông và cá nục chuối, trong đó cá nục chuối rất phù hợp để làm nước mắm vì nhiều thịt, ít xương và giàu dưỡng chất (omega-3, omega-6, canxi, phốt pho, kali, vitamin A, D, K).
Nước mắm làm từ cá nục cho vị thanh ngọt và thơm dịu khó cưỡng.
4. Cá rô phi
Cá rô phi chứa nhiều đạm, ít mỡ, thịt chắc, vị ngọt và chứa nhiều chất dinh dưỡng như niacin, phốt pho, selenium, kali. vitamin B12. Đây là loài cá nước ngọt, thường sống ở sông hồ, dễ nuôi, nhanh lớn và hiện có các loại như cá rô phi vằn, cá rô phi đen, cá rô phi đỏ. Nước mắm cá rô phi sau khi được ủ chượp mang đến mùi thơm nhẹ, màu nâu đẹp và vị không bị quá mặn hay quá gắt.
5. Cá linh
Cá linh là loài cá xuất hiện nhiều vào mùa nước nổi ở miền Tây như An Giang, Đồng Tháp, thuộc họ với cá chép, bé bằng ngón tay hoặc đầu đũa, có vảy sáng. Vào đầu mùa, cá linh có chất lượng ngon nhất, béo mập, ngọt thịt, xương mềm. Cá linh khi làm nước mắm có độ đạm cao, màu cánh gián, hương vị đặc trưng, thơm dịu và hậu vị thanh hấp dẫn.
Ngoài các đặc sản như canh chua cá linh với bông điên điển, cá linh kho mía thì cá linh còn được làm thành nước mắm.
6. Cá sặc
Cá sặc là loại cá được đánh bắt nhiều vào mùa nước nổi ở vùng sông nước miền Tây. Cá sặc có thân nhỏ dẹt, thịt bùi ngọt và thơm, ngoài được chế biến thành món ăn như cá sặc kho tiêu xanh, cá sặc chiên sả, canh chua cá sặc bông súng thì cá sặc còn được dùng để làm nước mắm. Trải qua nhiều công đoạn, nước mắm cá sặc thành phẩm có màu nâu cánh gián, chất sánh, vị mặn, ngọt thơm đặc trưng mà ít sản phẩm nào có được.
Vậy là bài viết trên đã giải đáp được thắc mắc loại cá nào làm nước mắm ngon rồi. Mỗi loài cá khi làm nước mắm đều mang đến một hương vị riêng biệt, không loại nào giống loại nào. Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguyên liệu cá làm nước mắm và chọn được sản phẩm nước mắm hợp với khẩu vị nhé.
Thông tin thêm: > Thành phần và giá trị dinh dưỡng của nước mắm > Độ đạm nước mắm là gì? Bao nhiêu là tốt? > Bí quyết chọn nước mắm có lợi cho sức khỏe