Những thói quen xấu trong ăn uống, sinh hoạt, tập luyện thể thao và ngủ… không chỉ khiến cơ thể ngày càng giảm sút, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các thói quen xấu cho sức khỏe mà nhiều người mắc phải, đồng thời gợi ý giải pháp khắc phục, giúp bạn sở hữu một cơ thể khỏe đẹp từ trong ra ngoài. Đừng bỏ lỡ nhé!
Mục lục
1. Những thói quen xấu cho sức khỏe trong chế độ ăn uống
Phần lớn, thói quen xấu của mỗi người thường bắt nguồn từ chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu khoa học như:
1.1 Bỏ bữa sáng
Nhiều người cho rằng, bữa sáng là yếu tố không cần thiết nên thường kết thúc nhanh gọn với tách cà phê hoặc ly sữa, và không dùng thêm bất kỳ đồ ăn nào khác. Trên thực tế, thói quen bỏ bữa sáng không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, hệ thần kinh hoạt động chậm chạp mà còn gây hại lên dạ dày, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, dễ dẫn đến tăng cân. Tốt nhất, để nạp đầy năng lượng cho cơ thể, chúng ta nên bắt đầu ngày mới bằng bữa sáng lành mạnh với: Trứng, khoai lang, sữa chua, sữa hạt, quả bơ, hạt chia, quả mọng, các loại hạt, trà xanh, hạt lanh,…
1.2 Ăn nhiều trước khi ngủ
Đây là một trong những thói quen xấu cho sức khỏe vừa dễ gây tăng cân, rối loạn tiêu hóa vừa làm ảnh hưởng giấc ngủ. Cụ thể, ăn một bữa lớn trước lúc ngủ, nhất là các món cay sẽ khiến thức ăn tiêu hóa chậm, dễ trào ngược lên thực quản khi nằm. Bạn có thể thử vài cách ngăn chặn tình trạng ăn quá nhiều trước khi ngủ là: Ăn uống điều độ và cân đối dinh dưỡng giữa các bữa trong ngày. Đồng thời, có một bữa phụ nhẹ cách thời điểm đi ngủ khoảng 90 phút như ăn táo, bánh mì nướng với bơ đậu phộng và chuối cắt lát, ngũ cốc nguyên hạt với sữa chua…
Ăn quá no trước khi ngủ sẽ gây tác động lên lượng insulin và đường huyết khiến cơ thể tích trữ nhiều mỡ hơn.
1.3 Ăn một số loại hoa quả khi đói
Việc ăn không chọn lọc, tiêu thụ các loại trái cây có múi và chua như cam, chanh, quýt, khế… khi bụng đói sẽ sản xuất axit trong dạ dày, kích thích niêm mạc dạ dày gây ra cảm giác buồn nôn.
Để hấp thu các enzyme tự nhiên trong quả chín, bạn nên lựa chọn thời điểm ăn thích hợp, trước bữa ăn khoảng 30 phút. Tránh ăn khi đói hoặc sát giờ đi ngủ sẽ khiến cơ thể tích tụ năng lượng, dẫn đến phản tác dụng làm tăng cân, cản trở tiêu hóa gây khó tiêu, đầy hơi.
1.4 Ăn vặt không kiểm soát
Ăn vặt thường xuyên, nhất là các loại đồ ăn vặt chế biến sẵn chứa nhiều đường, chất béo, gia vị mặn (như bánh ngọt, kẹo, kem, trà sữa, gà rán…) dễ gây tăng cân, béo phì và nhiều vấn đề sức khỏe: Làm tăng lượng đường trong máu, tăng huyết áp, dễ mắc bệnh răng miệng và khiến da nhanh lão hóa… Tốt nhất, để kiểm soát cơn thèm ăn vặt bạn nên ăn đủ chất – ăn đúng bữa trong ngày, tránh để bị đói quá mức. Đồng thời, tăng cường nhóm thực phẩm Protein (cá, ức gà, thịt bò nạc xay, trứng) và thực phẩm giàu chất xơ (ngũ cốc nguyên hạt, các loại trái cây và rau như quả mọng, lê, bơ, bông cải xanh), nhằm tạo cảm giác no lâu.
“Nghiện” ăn vặt và ăn những món nhiều chất béo, đường, muối là thói quen gây hại đến sức khỏe rất nhiều người mắc phải.
1.5 Ăn quá nhiều đường
Đường đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch, béo phì và các bệnh mạn tính khác như tiểu đường type 2, nếu bạn thường xuyên tiêu thụ vượt mức lượng đường trong ngày (với nam giới là 9 thìa đường/ngày và nữ giới là 6 thìa đường/ngày). Do đó, hãy từ bỏ những thói quen xấu cho sức khỏe này bằng cách: Uống nước lọc, nước khoáng không đường thay cho nước ép, trà ngọt, nước soda, tăng lực; ăn trái cây tươi thay vì xay sinh tố; sử dụng các loại ngũ cốc có đường dưới 4g/khẩu phần.
1.6 Ăn mặn thường xuyên
Để món ăn thêm phần đậm đà, nhiều người có thói quen nêm nếm khá nhiều muối trong quá trình nấu nướng hoặc chấm ngập thực phẩm vào nước chấm. Tuy nhiên, việc ăn mặn lâu ngày sẽ gây ra nhiều tác hại cho cơ thể, làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, suy thận, loãng xương và ung thư dạ dày.
Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo, mỗi người chỉ nên tiêu thụ tối đa 5g muối/ngày. Cần lưu ý rằng, 5g muối chỉ tương đương với 1 thìa cafe vơi. Đồng thời, trong các thực phẩm chúng ta dùng hàng ngày: từ tự nhiên, chưa qua chế biến, đến những thực phẩm đóng hộp đều đã có sẵn một lượng muối nhất định. Chính vì thế, thói quen nêm hoặc chấm thêm gia vị đã khiến rất nhiều Việt người ăn mặn gấp đôi so với thế giới mà không hề hay biết.
Để giảm ăn mặn hiệu quả nhất, bạn có thể bắt đầu bằng những hành động đơn giản:
- Đọc nhãn thực phẩm để kiểm soát lượng muối đưa vào cơ thể, ưu tiên chọn nước mắm giảm mặn (có công thức được rút bớt muối so với nước mắm cốt) để an tâm sử dụng mà không lo dư thừa muối ăn hàng ngày.
- Chế biến món ăn bằng phương pháp luộc, hấp thay vì kho, rang, rim.
- Lựa chọn thực phẩm tươi, tự nấu ăn ở nhà thay vì sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói, bim bim, mì ăn liền, cá hộp…
- Không nêm gia vị lúc đang nấu, vì nhiệt độ nóng thường làm giảm vị giác của lưỡi.
- Hạn chế cách ăn trái cây chấm các loại muối ớt, muối tiêu, muối tôm, muối ô mai, bột canh.
Nước mắm giảm mặn được điều chỉnh công thức đặc biệt giúp giảm bớt lượng muối hấp thụ, nhưng vẫn đảm bảo hương vị thơm ngon cho bữa ăn.
1.7 Uống trà sau khi ăn
Nhiều người thắc mắc không biết đâu là những thói quen gây hại cho sức khỏe, mà không nhận ra rằng việc uống trà sau khi ăn có thể gây rối loạn tiêu hóa. Hàm lượng lớn tannin và các hợp chất có tính kiềm trong trà sẽ khiến dạ dày tiết nhiều axit, gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
Ngoài ra, tannin khi kết hợp với protein trong thịt, trứng, sữa… còn tạo thành chất cặn khó tiêu, các chất kết tủa, lâu ngày dẫn tới bệnh sỏi thận. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, thời điểm thích hợp để uống trà nên cách bữa ăn 1 – 2 tiếng và có thể thêm vài giọt nước cốt chanh để kích thích quá trình chuyển hóa thức ăn, hỗ trợ giảm cân.
2. Những thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe trong sinh hoạt
Song song với chế độ ăn uống, lối sống sinh hoạt cũng góp phần ảnh hưởng đến sức khỏe, làm suy giảm chất lượng cuộc sống nếu bạn mắc phải những thói quen xấu dưới đây:
2.1 Lạm dụng thuốc lá, rượu bia
Hút thuốc lá, uống rượu bia quá nhiều chính là “thủ phạm” gây suy giảm trí nhớ, sức khỏe và khả năng miễn dịch, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ. Do đó, nếu đang có những thói quen xấu cho sức khỏe kia, bạn nên dừng lại từ bây giờ. Hãy thử nhai kẹo cao su, ngửi 1 mẩu quế mỗi khi cảm thấy muốn hút thuốc và đổi mọi đồ uống bằng nước suối hoặc đồ uống không cồn, thay cho rượu bia.
2.2 Ngồi nhiều trong thời gian dài
Các nghiên cứu cho thấy, 50 – 70% số người dành 6 giờ hoặc hơn cho việc ngồi trong 1 ngày sẽ gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, xương khớp, tiêu hóa, mắt… Để cải thiện các ảnh hưởng do ngồi nhiều gây nên, bạn cần tạo thói quen nghỉ ngơi ngắn sau khi ngồi khoảng 25 – 30 phút bằng vài hoạt động như đi toilet, đi bộ cầu thang, uống nước. Đồng thời, giữ lưng – cổ ở tư thế ngồi thẳng với phần đùi tạo thành góc 90 độ, nhằm tránh ảnh hưởng đến xương khớp.
Ngồi nhiều, liên tục trong thời gian dài là một trong những thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều người mắc phải, đặc biệt là nhân viên văn phòng.
2.3 Thức khuya, ngủ ít
Thói quen thức khuya hoặc ngủ quá ít không chỉ gây đau đầu, lo âu, căng thẳng, dễ cáu gắt mà còn có thể gây suy giảm trí nhớ cao gấp 5 lần. Do đó, để phòng tránh những tác hại do thức khuya và tạo thói quen ngủ tốt, chúng ta nên ngủ trước 12 giờ, đủ 8 tiếng mỗi ngày. Lưu ý, giữ phòng ngủ yên tĩnh, tối, điều chỉnh nhiệt độ trong phòng thích hợp và tắt các thiết bị điện tử trước khi ngủ.
2.4 Không dùng thuốc theo chỉ định
Sử dụng thuốc theo toa kê bệnh của người khác, tự mua thuốc về điều trị mà không có sự tư vấn hay chỉ định của bác sĩ là những thói quen xấu cho sức khỏe rất phổ biến. Không chỉ khiến bệnh trở nặng, kéo dài thời gian điều trị mà nếu sử dụng sai thuốc còn có thể dẫn đến sốc phản vệ, ngộ độc thuốc, suy gan, thậm chí là tử vong. Lời khuyên để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và những người thân, khi có bệnh chúng ta cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám, tư vấn và chỉ định loại thuốc phù hợp.
Tự ý mua thuốc về điều trị mà không có sự tư vấn hay chỉ định của bác sĩ có thể khiến bệnh trở nặng, kéo dài thời gian điều trị hơn.
2.5 Không khám sức khỏe định kỳ
Nhiều người cho rằng việc khám sức khỏe không quá quan trọng nên thường tỏ ra khá thờ ơ, chủ quan. Song, nếu thường xuyên thực hiện thăm khám định kỳ, bạn không chỉ nắm được tình trạng sức khỏe tổng quát ở thời điểm hiện tại, mà còn phát hiện sớm nguy cơ bệnh lý để kịp thời điều trị. Tốt nhất, để phòng ngừa những rủi ro về sức khỏe, mỗi người nên hình thành thói quen chủ động đi kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần.
3. Những thói quen xấu cho sức khỏe khi luyện tập thể dục
Tập thể dục là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh, giúp tăng cường sức khỏe và giảm căng thẳng, nâng cao tinh thần thoải mái hơn. Tuy nhiên, việc tập luyện thể dục có thể gây hại nếu bạn mắc phải những thói quen ảnh hưởng đến sức khỏe như:
3.1 Không làm nóng cơ thể trước khi tập
Vì lý do thời gian nên một số người thường có thói quen bỏ qua bài tập khởi động. Việc này có thể làm tăng nguy cơ gặp phải chấn thương, nguy hiểm hơn là khó vận động về sau. Lời khuyên dành cho bạn là, nên dành 5 – 10 phút khởi động cho cơ thể nóng lên trước khi tập, bằng các động tác đơn giản như đi bộ, xoay khớp cổ tay chân, gập duỗi, nâng cao đầu gối tại chỗ.
Trước khi tập luyện nên khởi động kỹ để tránh chấn thương ngoài ý muốn.
3.2 Tắm nước lạnh ngay sau khi luyện tập
Tắm ngay với nước lạnh sau khi luyện tập thể thao không phải là cách phục hồi năng lượng nhanh chóng như nhiều người vẫn nghĩ. Trong khi các mao mạch đang giãn nở để tỏa nhiệt, thì việc xối nước lạnh sẽ khiến mạch máu bên ngoài co lại, làm huyết áp tăng lên dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Thời gian lý tưởng nhất để bắt đầu tắm rửa là chờ cơ thể được thả lỏng, ổn định nhịp tim và ngừng đổ mồ hôi nhiều khoảng 20 – 30 phút sau đó.
3.3 Nghỉ ngơi ngay sau khi vận động
Khi cơ thể đang hoạt động ở tốc độ cao và bạn đột ngột “thắng gấp” để nghỉ ngơi sẽ khiến máu ngưng đọng lại. Hậu quả là gây đau nhức cơ bắp và trì hoãn thời gian phục hồi. Thay vào đó, hãy cố gắng giữ cơ thể di chuyển, cách khoảng 30 phút thì đứng dậy đi lại, tránh ngồi hay nằm lâu ngay sau khi tập.
3.4 Không bù nước sau khi tập thể dục
Khi hoạt động thể lực, cơ bắp tiêu thụ rất nhiều calo và sản sinh ra một lượng nhiệt lớn làm thân nhiệt tăng cao. Nếu không bù nước kịp thời sau khi tập, cơ thể sẽ bị mất nước, da khô nứt nẻ, dễ ngất xỉu, chuột rút cơ bắp… Để tránh những tác hại kể trên, bạn nên bổ sung nước cho cơ thể ít nhất là 250ml trong vòng 30 phút khi kết thúc buổi tập. Lưu ý, tránh uống nước có cồn, có gas vì sẽ thúc đẩy quá trình mất nước và làm nhão cơ bắp nhanh hơn.
Nếu thời gian tập luyện kéo dài trên 60 phút hoặc tập với cường độ cao, bạn nên bù nước bằng các loại nước uống thể thao có chất khoáng, điện giải.
3.5 Tập với cường độ quá sức
Vận động quá sức hay tập luyện những môn thể thao đòi hỏi sức bền thường xuyên có thể gây nhiều hệ lụy xấu như: Căng cơ, gãy xương, mệt mỏi, chán ăn… Do đó, bạn chỉ nên hoạt động thể chất tối đa 60 phút mỗi ngày. Nếu thấy người mệt mỏi, mất sức hoặc bị đau sau tập luyện kéo dài quá 72 tiếng và đi kèm một số triệu chứng như nước tiểu màu nâu cần đến ngay cơ sở y tế.
4. Những thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe khi ngủ
Chất lượng giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhịp sinh học của cơ thể, giúp cho não bộ được nghỉ ngơi, cải thiện sự tập trung và năng suất, tăng cường chức năng miễn dịch… Chính vì vậy, để có một giấc ngủ tốt bạn cần tránh những thói quen xấu cho sức khỏe như:
4.1 Đeo đồ trang sức khi ngủ
Trước khi đi ngủ, bạn hãy tháo hết tất cả các loại trang sức ra bỏ vào hộp. Bởi việc đeo khi ngủ sẽ gây cản trở tuần hoàn máu và trao đổi chất trong cơ thể, làm đẩy nhanh quá trình lão hóa. Chưa kể, một số chất liệu như niken có thể gây dị ứng, khiến da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy.
Nên thường xuyên làm sạch trang sức, tránh tạo môi trường cho vi khuẩn và bụi bẩn phát triển.
4.2 Thói quen khi ngủ há miệng thở
Ít người biết rằng, ngủ há miệng thở là tác nhân gây ra các biến chứng về sức khỏe như viêm nhiễm cổ họng, hen suyễn, gây trào ngược dạ dày, làm tăng tỷ lệ sâu răng… Để khắc phục tình trạng này, bạn nên kê gối cao đầu khi ngủ, thường xuyên tập thể dục (ưu tiên chọn yoga hoặc aerobic), giữ cho nơi ở được sạch sẽ, loại bỏ các yếu tố gây dị ứng như lông vật nuôi, bụi bặm, phấn hoa.
4.3 Ngủ không đúng tư thế
Ngủ sai thế không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cột sống như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống… mà còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, sang chấn cơ dây chằng, gân gây đau thắt lưng, nhức mỏi cổ vai gáy. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, mỗi người nên điều chỉnh tư thế ngủ chuẩn bằng cách nằm ngửa hoặc nằm nghiêng. Ở mỗi tư thế đều có một chiếc gối kê dưới đầu, nhằm giữ thẳng cột sống và nâng đỡ phần cổ, thắt lưng, đầu gối tránh xoay lệch.
Nằm ngủ sai tư thế có thể gây đau lưng, nguy cơ về lâu dài dẫn đến các bệnh về xương khớp, cột sống và nhiều vấn đề sức khỏe.
4.4 “Làm bạn” với điện thoại hoặc máy tính trước khi ngủ
Những thói quen xấu cho sức khỏe của nhiều bạn trẻ hiện nay là lạm dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Các tia bức xạ điện từ, ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại, máy tính vừa ảnh hưởng đến thị lực, phá hỏng làn da, vừa làm suy giảm trí nhớ, thậm chí là tăng nguy cơ mắc các loại ung thư như: ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt. Lời khuyên dành cho bạn là đừng nên sử dụng điện thoại, máy tính trong 1 giờ trước khi ngủ và không để điện thoại gần khu vực ngủ.
Với thông tin trên đây, hy vọng đã giúp bạn nắm được những thói quen xấu cho sức khỏe và cách khắc phục. Nếu đang mắc phải một trong những thói quen kể trên, bạn hãy từ bỏ ngay hôm nay để có một cuộc sống khỏe mạnh và tốt đẹp hơn.
>>> Có thể bạn quan tâm: Bí quyết để bạn sống khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng